Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại Việt-Mỹ tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngoại thương Việt Nam sau 10 năm ký kết sử dụng mô hình lực hấp dẫn và phương pháp ước lượng Hausman-Taylor

Ngày 13 tháng bảy năm 2000, Mỹ và Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại song phương (viết tắt tiếng Anh là USBTA). Sau khi Quốc hội Mỹ và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, USBTA có hiệu lực từ ngày 10 Tháng 12 năm 2001, khi hai nước chính thức trao đổi thư để triển khai thực hiện Hiệp định. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ trao cho Việt Nam quy chế Tối huệ quốc (Most Favored Nation-MFN, còn được gọi là quan hệ thương mại bình thường [Normal Trade Relation-NTR]) cho Việt Nam, một bước cho phép cắt giảm thuế quan của Mỹ áp trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, mức thuế suất nhập khẩu của Mỹ áp cho hàng Việt Nam sẽ giảm từ mức phi MFN trung bình là 40% đến dưới 3% (Manyin, 2002).
Ngược lại, Việt Nam đã đồng ý thực hiện một loạt các biện pháp để tự do hóa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định, bao gồm cả việc mở rộng quy chế MFN cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ thông qua việc giảm thuế đối với hàng hóa, giảm bớt các rào cản đối với việc cung cấp các dịch vụ (như ngân hàng, viễn thông…), cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, và thực hiện các ưu đãi bổ sung và các biện pháp bảo vệ cho hoạt động đầu tư của Mỹ tại Việt Nam (Manyin, 2002).

Theo quy định tại Điều IV của Luật Thương mại năm 1974-Phần 402 thường được gọi là điều luật "Jackson-Vanik"-việc ký kết một thỏa thuận thương mại song phương là một bước cần thiết để Mỹ phục hồi quy chế MFN cho các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam. Quốc hội Mỹ phê chuẩn USBTA sẽ cho phép Tổng thống Mỹ mở rộng quy chế MFN cho Việt Nam. MFN này là có điều kiện theo điều IV BTAs-nó sẽ cho phép mở rộng quyền của Tổng thống định kỳ hàng năm khi được Quốc hội Mỹ phê chuẩn (Manyin, 2002).

Câu hỏi đặt ra là liệu việc tự do hóa thương mại trong khuôn khổ của USBTA có thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam và mở rộng ngoại thương (xuất khẩu và nhập khẩu) giữa hai nước đã được đề cập trong một số nghiên cứu trước đây. Sử dụng mô hình cân bằng tổng thể, Fukase và Martin (2001) cho rằng Hiệp định Thương mại song phương Mỹ-Việt Nam sẽ có tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài chảy vào Việt Nam. Tuy nhiên, các tác giả chỉ dừng lại ở việc phân tích các tác động tiềm năng của USBTA tới dòng chảy FDI vào Việt Nam. Parker và cộng sự (2002) cho rằng sự đột biến trong quan hệ thương mại giữa hai nước vượt qúa cả mong đợi. Các tác động của USBTA tới FDI, tuy nhiên, là không rõ ràng, đặc biệt là liên quan đến FDI của Mỹ vào Việt Nam. Và, phân tích mô tả của họ lại hỗ trợ mạnh mẽ kết luận rằng USBTA tác động mạnh đến dòng chảy FDI vào Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động FDI của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, không có mô hình kinh tế chính thức được xây dựng để kiểm tra kết luận này. Fukase (2012) sử dụng các dữ liệu điều tra cá nhân từ cuộc Ðiều tra Tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình Việt Nam năm 2002 và 2004, và đã giải quyết các vấn đề nội sinh xác nhận sự tồn tại của hiệu ứng Stolper-Samuelson, nghĩa là những tỉnh có sự gia tăng trong xuất khẩu chứng kiến tốc độ tăng trưởng tương đối lớn của mức lương cho người lao động không có kỹ năng (unskillful labours) và sự suy giảm (hoặc tăng nhỏ) tương đối trong mức lương của công nhân có tay nghề cao/lành nghề (skillful labours).

Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương-CIEM (2005) cũng đã đánh giá tác động của USBTA sau 5 năm Hiệp định có hiệu lực tới quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó USBTA làm gia tăng kim ngạch ngoại thương 2 chiều và thúc đẩy FDI của Mỹ vào Việt Nam.

Nhìn chung, theo đánh giá và sự hiểu biết của nhóm tác giả, có thể chưa có một nghiên cứu nào trước đây tiến hành đánh giá một cách toàn diện tác động của USBTA tới việc thu hút FDI và tới xuất, nhập khẩu của Việt Nam sử dụng mô hình kinh tế với kỹ thuật ước lượng vượt trội sau mười năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực. Với cách tiếp cận đó, nghiên cứu này sẽ đánh giá tác động của USBTA tới việc thu hút FDI và ngoại thương của Việt Nam sau mười năm ký kết. Để có được kết quả đáng tin cậy, độc sáng các tác giả sẽ sử dụng mô hình trọng lực và phương pháp ước lượng Hausman-Taylor. Nghiên cứu này được cấu trúc như sau: Phần hai sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về USBTA. Phần ba, sau đó, phác thảo đầu tư trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam. Phần bốn phân tích khái quát quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Phần năm xây dựng mô hình lực hấp dẫn và giải mã dữ liệu. Phần sáu thảo luận về các kết quả thực nghiệm/ước lượng. Phần cuối cùng là một số kết luận và gợi ý về mặt chính sách cho Việt Nam.

Mời các bạn quan tâm tìm hiểu đề tài nghiên cứu khoa học cùng chủ đề "Đánh giá tác động của Hiệp định thương mại Việt-Mỹ tới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngoại thương Việt Nam sau 10 năm ký kết sử dụng mô hình lực hấp dẫn và phương pháp ước lượng Hausman-Taylor” của tác giả Hoàng Chí Cương tại đường link: http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/20328

Nhận xét