Mangan
là nguyên tố phổ biến thứ 12 trong sinh quyển. Hàm lượng của nó trên bề mặt
trái đất chiếm khoảng 0,098% về khối lượng. Mangan có mặt trong nhiều đối tượng
môi trường như đất, nước, trầm tích và trong các vật chất sinh học khác nhau.
Đây là nguyên tố rất cần thiết cho sự phát triển của sinh giới.
Tuy
vậy, mangan cũng trở thành kim loại có tính độc hại khi được hấp thụ ở nồng độ
cao. Với con người, mangan gây ra hội chứng được gọi là “manganism”, gây ảnh hưởng
đến hệ thần kinh trung ương, bao gồm các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, viêm
phổi, run chân tay, đi lại khó khăn, co thắt cơ mặt, tâm thần phân liệt và thậm
chí ảo giác.
Mangan
có mặt trong hơn 100 loại khoáng khác nhau. Thông qua quá trình rửa trôi, phong
hóa của đất đá và các hoạt động của con người mangan sẽ được tích tụ trong các
nguồn nước khác nhau như ao, hồ sông, suối, biển… gọi chung là nước bề mặt rồi
từ nước bề mặt mangan sẽ được ngấm vào những mạch nước trong lòng đất mà ta gọi
là nước ngầm. Đây là lí do vì sao mangan nói riêng và nhiều nguyên tố kim loại
nặng nói chung hiện nay đã có mặt trong nguồn nước ngầm của nhiều quốc gia trên
thế giới.
Có
rất nhiều phương pháp nhằm loại bỏ Mangan trong nước như: phương pháp lý học,
hóa học, sinh học, trao đổi ion, hấp phụ...Đã có nhiều phương pháp được sử dụng,
trong đó phương pháp hấp phụ tỏ ra có nhiều ưu điểm và được sử dụng rộng rãi
hơn cả bởi các ưu điểm như xử lý nhanh, dễ chế tạo thiết bị và đặc biệt là có
thể tái sử dụng vật liệu hấp phụ. Trong phương pháp hấp phụ thì các vật liệu
khoáng sét hay vật liệu biến tính từ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, lõi
ngô, vỏ lạc, bã mía, vỏ sắn,… được xem là các loại vật liệu hấp phụ có nhiều
triển vọng. Việc nghiên cứu sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ứng dụng làm vật
liệu hấp phụ ion Mangan trong nước sẽ có ý nghĩa thực tiễn trong việc sử dụng một
cách có hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp khổng lồ, giảm thiểu khả năng gây ô
nhiễm môi trường, đồng thời tạo ra một loại vật liệu hấp phụ rẻ tiền từ nguồn
nguyên liệu sẵn có. Phụ phẩm nông nghiệp thường gồm các thành phần cellulose,
hemicellulose, lignin, lipid, protein, các loại đường đơn, tinh bột, nước,
hidrocacbon, tro. Những vật liệu này có khả năng hấp phụ kim loại nặng nhờ cấu
trúc nhiều lỗ xốp và thành phần gồm các nhóm chức hoạt động. Các nhóm chức
trong sinh khối bao gồm nhóm axetamido, cacbonyl, phenolic, khung polysaccarit,
amin, sunphua hydryl, cacboxyl, rượu và este. Các nhóm này tạo ái lực và tạo phức
với ion KLN. Một số vật liệu hấp phụ liên kết không chọn lọc, có thể liên kết với
nhiều ion KLN. Trong khi, các vật liệu khác liên kết chọn lọc ion KLN phụ thuộc
vào thành phần hóa học của chúng. Các phế phẩm như xơ dừa, trấu, vỏ lạc, bã
mía, lá cây chè, cây dương xỉ, thân cây đu đủ, thân cây chuối, vỏ trấu, thân
cây ngô,... đã được nghiên cứu nhằm phát hiện khả năng tách kim loại nặng trong
nước. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có công bố nào
nghiên cứu về ảnh hưởng của sóng siêu âm đến quá trình hấp phụ của vật liệu
này.
Mời các bạn quan tâm tìm hiểu khóa luận cùng chủ
đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của
sóng siêu âm đến quá trình hấp phụ Mangan của vật liệu lọc” của tác giả Hoàng Đình Quyền tại đường link:
http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/25232
Nhận xét
Đăng nhận xét