Khai thác các công trình kiến trúc tiêu biểu trong khu phố cổ Hà Nội phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền vững
Thăng
Long - Hà Nội đã trải qua bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đây là nơi hội tụ, kết
tinh tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đất Thăng Long xưa, hình thành từ
những làng quê, có bụi tre, bến nước, vườn nhỏ, ao chuôm…; ngày nay, dấu ấn
“làng” ấy vẫn tồn tại đâu đó với những phố cổ, làng cổ trầm mặc, xinh xắn, với
bao ngõ nhỏ uốn lượn, quanh co, ngoằn ngoèo trong lòng một Hà Nội hiện đại, sầm
uất. Thăng Long - Hà Nội còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn với nhiều
bản sắc văn hóa độc đáo thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, truyền thống ẩm thực,
những loại hình nghệ thuật…
Kiến trúc phố cổ Hà Nội
Ở
thời hiện đại, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vẫn còn rất bí ẩn và quyến rũ bởi
những chứng tích lịch sử, những dấu ấn về con người qua truyền thuyết, huyền
thoại, di tích lịch sử, qua những khu phố, ngôi nhà cổ, tường thành xưa, đường
phố cũ… Có thể nói kiến trúc cổ Hà Nội gợi lên một nền văn minh tinh thần, một
nếp sống văn hóa gia đình trong những đường nét ấm nóng hơi thở của nhiều thế hệ.
Qua nhiều năm, những cư dân sinh sống nhờ các nghề thủ công, buôn bán tiểu
thương đã hình thành những con phố nghề đặc trưng mang những cái tên vừa thân
thương vừa dân dã như Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Đồng, Thuốc Bắc...
Bên cạnh đó Hà Nội cũng còn lại những khu phố mang đặc trưng kiến trúc Pháp cổ,
những con đường ở đây rộng, dài và phủ kín cây xanh.
Với
chiều sâu văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn của chốn kinh kỳ, người ta ví khu phố
cổ như một phần linh hồn của Hà Nội. Nếu như trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 188
di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, thì riêng trong khu vực phố cổ có tới 121
di tích. Trong đó, có một số di tích tiêu biểu như đền Bạch Mã, một trong Tứ Trấn
của kinh thành Thăng Long; ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Quán Ðế,
các nhà thờ Tổ nghề... Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như
phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã;
phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược; phố Hàng Thiếc với nghề gò
thiếc; phố Hàng Ðồng với nghề chế tác đồ đồng... Kiến trúc nhà ở tại khu phố cổ
mang nét đặc trưng, với dạng nhà ống, mái ngói nghiêng, được xây dựng cách đây
hàng trăm năm, tạo ra nét trầm mặc, cổ kính. Khu vực phố Tạ Hiền, Lương Ngọc
Quyến, Ðào Duy Từ, Cầu Gỗ... là nơi quy tụ nhiều nhà hàng ẩm thực của người Hà
Nội, lúc nào cũng tấp nập thực khách. Ngoài ra, phong cách sống, cách đối nhân
xử thế thanh lịch của những người dân phố cổ cũng là những giá trị nhân văn
đáng quý mà hiếm nơi nào có được.
Tuy
nhiên, trên thực tế mặc dù có những lợi thế đó nhưng du lịch Phố cổ Hà Nội chưa
thật sự hấp dẫn so với tiềm năng vốn có, nhất là công tác bảo tồn còn chưa kịp
thời; công tác tổ chức, quản lý hoạt động du lịch còn hạn chế. Việc phát triển
du lịch chủ yếu mới dựa vào khai thác tiềm năng sẵn có chứ chưa đầu tư để tạo
ra các sản phẩm du lịch đặc sắc. Vì thế việc nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị
các công trình kiến trúc cổ tiêu biểu trong khu Phố cổ Hà Nội để từ đó đề xuất,
đưa ra những giải pháp nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo ra những
sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn là một việc làm cần thiết.
Mời
các bạn quan tâm tìm hiểu khóa luận cùng chủ đề "Khai thác các công trình kiến
trúc tiêu biểu trong khu phố cổ Hà Nội phục vụ phát triển du lịch theo hướng bền
vững” của tác giả Trần Thị Vân Anh tại đường link:
http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/20241
Nhận xét
Đăng nhận xét