Ngày
nay du lịch trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá - xã hội
của các nước. Những nước có ngành kinh tế phát triển hàng năm có đến một nửa
dân số đi du lịch. Nhiều nước coi du lịch là một trong những chỉ tiêu để đánh
giá mức sống của người dân. Cùng với sự gia tăng quốc tế hoá sản xuất và đời sống
của thời đại, sự phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật - công nghệ thì du
lịch đang và sẽ trở thành một hiện tượng xã hội, một nhu cầu phổ biến biểu thị
sự nâng cao mức sống vật chất và đời sống tinh thần.
Ở
nước ta du lịch đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, bao gồm nhiều hoạt
động khai thác các tiềm năng của các hệ địa - sinh thái khác nhau trên khắp đất
nước. Sự phong phú, đa dạng của các hình thức du lịch được thể hiện từ việc
thăm quan các danh lam thắng cảnh tự nhiên, nghiên cứu các thành phần tự nhiên,
xã hội để nghỉ dưỡng, từ du lịch bằng xe, đi thuyền, đi bộ đến du lịch cưỡi thú
lớn. Quá trình phát triển của các loại hình du lịch đã tạo ra khả năng khai
thác nhiều tiềm năng to lớn của các tài nguyên tự nhiên, nhân văn.
Trong
những năm gần đây thay vì đến những nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt với các tòa nhà
che khuất tầm nhìn của con người thì khách có xu hướng đến với các miền quê để
được hòa mình vào cuộc sống của người dân, những phong tục tập quán mang tính
truyền thống và tính địa phương, được hiểu thêm những giá trị về lịch sử, văn
hóa, kiến trúc... Được hòa mình vào thiên nhiên trong lành với vẻ đẹp cổ kính của
di tích lịch sử và gắn với nó là lễ hội truyền thống độc đáo. Do vậy việc khai
thác các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc ở mỗi miền quê là công việc cực kỳ
quan trọng cho phát triển du lịch.
Trong
hệ thống các tài nguyên du lịch nhân văn ở Việt Nam, các yếu tố của văn hoá
làng có xu hướng phát triển mạnh trong những năm tới đây. Những ngôi làng cổ được
hình thành từ rất sớm cùng với tiến trình lịch sử đất nước, chứa đựng trong đó
những nét độc đáo, in đậm dấu ấn lịch sử - văn hoá của đất nước. Mỗi làng có
truyền thống lịch sử văn hoá riêng với hệ thống các di tích như: đình, miếu,
chùa…gắn liến với các lễ hội, các trò chơi dân gian, các phong tục tập quán,
các sinh hoạt văn hoá văn nghệ, không chỉ phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động
của người dân ở các làng quê, gắn với các danh nhân văn hoá, thể hiện khát vọng
trong đời sống tâm linh của con người, hướng tới cái chân - thiện - mỹ mà còn
chứa đựng nhiều dấu tích của từng giai đoạn phát triển, từng thời kỳ lịch sử của
đất nước. Những giá trị đó có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách, không chỉ để
chiêm ngưỡng mà còn mong muốn tìm hiểu đến ngọn nguồn.
Trên
vùng châu thổ Bắc Bộ, từ thuở cha ông ta lập nước đến nay có hàng vạn làng, mỗi
làng dù thuộc loại hình nào cũng đều có những nét riêng. Nhiều làng có những
nét độc đáo in đậm dấu vết lịch sử - văn hoá của đất nước. Một trong những làng
đó là làng ca trù Lỗ Khê.
Cổng đình làng Lỗ Khê
Làng
Lỗ Khê nằm trong vùng Ngũ Giỗ của huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Thời phong kiến là một xã, nay là một thôn của xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Làng được hình thành từ lâu đời, đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều nét của một làng
cổ, với quần thể đình, miếu, cổng, luỹ làng, lễ hội những làn điệu dân ca. Đặc
biệt trong đó phải kể đến hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc là hát
ca trù - một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong
kho tàng âm nhạc, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc,
tư tưởng, triết lý sống của người Việt.
Lỗ
Khê có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nổi bật là loại hình nghệ thuật
Ca trù. Song trên thực tế, làng Lỗ Khê đã chưa khai thác được những lợi thế của
mình cho phát triển du lịch.
Mời
các bạn quan tâm tìm hiểu khóa luận cùng chủ đề "Tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa
của làng ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội” của tác giả
Trần Thị Xuyên tại đường link: http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/19808
Nhận xét
Đăng nhận xét