Hải Phòng là
thành phố cảng thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ,
có diện tích tự nhiên là 1.523 km2 với tổng dân số khoảng 1,9 triệu người, mật
độ dân số trung bình 1.223 người/km2. Phía Bắc của Hải Phòng giáp tỉnh Quảng
Ninh, phía Tây giáp tỉnh Hải Dương, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Đông
giáp biển Đông; có 15 đơn vị hành chính gồm 7 quận và 8 huyện, 223 phường, xã,
thị trấn (có 10 thị trấn, 70 phường và 143 xã).
Vị trí địa lý
thuận lợi và hội tụ đầy đủ các lợi thế về cảng biển, giao thông đường biển, đường
sông, đường sắt, đường bộ, hàng không cùng với tiềm năng về tài nguyên thiên
nhiên, văn hóa, xã hội đã tạo cho Hải Phòng đóng vai trò là cầu nối quan trọng
để giao lưu, liên kết, hội nhập, hợp tác kinh tế với thế giới, đặc biệt với các
nước trong khu vực kinh tế phát triển năng động Châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời,
những lợi thế này đã giúp Hải Phòng phát huy tác động lan tỏa và ngày càng mở rộng
vùng ảnh hưởng của mình tới các tỉnh ở miền Bắc và khu vực vịnh Bắc Bộ của Việt
Nam, là cực tăng trưởng quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vị
trí hỗ trợ đắc lực cho thủ đô Hà Nội, xứng đáng là cửa mở ra biển chủ yếu, đóng
vai trò quan trọng trong thực hiện Chiến lược “Hai hành lang, một vành đai kinh
tế” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Về điều kiện
kinh tế xã hội, trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng đã đạt
được nhiều kết quả đáng lưu ý, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình
quân của thành phố năm sau cao hơn năm trước và gấp 1,5 lần mức tăng bình quân
của cả nước. Trong những năm qua, Hải Phòng đã hoàn thiện khá toàn diện các chỉ
tiêu kinh tế đặt ra, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch một các rõ nét, đời sống của
người dân ngày càng được nâng cao về nhiều mặt.
Về điều kiện địa
lý thủy văn, tổng chiều dài của toàn bộ mạng lưới sông ngòi chảy qua thành phố
Hải Phòng khoảng gần 280km với mật độ lưới sông trung bình khoảng 0,18 km/km2.
Hướng chảy của các sông của thành phố Hải Phòng chảy theo hướng Tây Bắc-Đông
Nam và đổ ra biển. Nằm trong vùng đồng bằng ven biển, các sông chảy qua Hải
Phòng có độ dốc nhỏ, dòng chảy quanh co, uốn khúc, mực nước sông chịu ảnh hưởng
của thủy triều, nước sông bị mặn hóa. Nhìn chung, các sông ngòi chảy qua địa phận
thành phố Hải Phòng đã phân chia diện tích tự nhiên của thành phố thành 05 khu
vực riêng biệt: khu vực Thủy Nguyên; khu vực các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô
Quyền, Hải An và huyện An Dương; khu vực huyện Vĩnh Bảo; khu vực huyện Tiên
Lãng; khu vực các quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và các huyện: Kiến Thụy, An
Lão (không tính huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Tài nguyên nước mặt của
thành phố Hải Phòng được các dòng sông vận chuyển từ thượng nguồn xuống, được
tích trữ, sử dụng thông qua hệ thống các công trình thủy lợi (cống, kênh mương,
trạm bơm). Việc sử dụng tài nguyên nước mặt không những phụ thuộc vào chế độ
dòng chảy thượng nguồn mà còn phụ thuộc mạnh mẽ vào chế độ thủy triều (nhật triều)
của biển Đông. Chế độ thủy động lực học phức tạp của vùng đồng bằng, cửa sông
ven biển của Hải Phòng gây ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình khai
thác, sử dụng nguồn nước. Ví dụ, khi thủy triều lên, có sự xâm nhập mặn theo
các dòng sông, làm hạn chế khả năng lấy nước.
Hệ thống kênh trung thủy nông Tiên Lãng
Tài nguyên nước
có vai trò quan trọng, thiết yếu cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Hải
Phòng trong thời gian qua, nhưng cũng chính quá trình phát triển đó đã đặt tài
nguyên nước trước những thách thức. Tại nhiều nơi trong thành phố, nguồn nước
ngọt ngày càng bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến thiếu nước
vào mùa kiệt và ô nhiễm nước nguồn nước thô trong phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Vì vậy, việc ngăn chặn suy thoái và nâng cao chất lượng nguồn nước ngọt được
Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố và các cấp uy
đảng, chính quyền quan tâm. Việc xây dựng các giải pháp nhằm quản lý chất lượng
nguồn nước ngọt trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
Khóa luận tốt
nghiệp “Đánh giá sơ bộ chất lượng nước sông hệ thống Trung thủy nông Tiên Lãng
phục vụ cấp nước sinh hoạt” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá tổng
quan hiện trạng cũng như chất lượng nước qua các đợt quan trắc. Phạm vi nghiên
cứu là hệ thống Trung thủy nông Tiên Lãng, qua nghiên cứu đánh giá, tác giả đề
xuất xây dựng các giải pháp nhằm quản lý chất lượng nguồn nước.
Mời các bạn
quan tâm tìm hiểu khóa luận cùng chủ đề "Đánh giá sơ bộ chất lượng nước
sông Hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng phục vụ cấp nước sinh hoạt” của
tác giả Trần Quang Anh tại đường link:
http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/29166
Nhận xét
Đăng nhận xét