Khảo sát sơ bộ khả năng hấp thụ Crom, Niken của cây rau cải


Vấn đề ô nhiễm kim loại nặng (KLN) trong đất ngày càng được quan tâm do ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đất, nước, cây trồng và sức khỏe con người. Đất bị ô nhiễm KLN là do con người sử dụng các loại hóa chất trong nông nghiệp và thải vào môi trường đất các chất thải đa dạng khác nhau. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các hoạt động khai thác khoáng sản như than đá, quặng chì, quặng thiếc... đã làm cho môi trường đất, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các chất độc hại như: As, Pb, Zn, Cd, Cr...Và xu hướng ô nhiễm ngày càng tăng nếu không có biện pháp xử lí triệt để.
Cây rau cải khi phun Crom ở ngày thứ 5
Để xử lí đất ô nhiễm người ta thường sử dụng các phương pháp truyền thống như: rửa đất, cố định các chất ô nhiễm bằng hóa học hoặc vật lí, xử lí nhiệt, trao đổi ion, oxi hóa hoặc khử các chất ô nhiễm, đào đất bị ô nhiễm để chuyển đến những nơi chôn lấp thích hợp... Nhưng hầu hết những phương pháp này đều rất tốn kém về kinh phí, giới hạn về kĩ thuật và hạn chế về diện tích.
Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn quốc tế về nồng độ của các chất độc trong môi trường đất mà chỉ có ở một số nước như: Đức, Áo, Hà Lan, Canada, Đài Loan.. nhưng số liệu tương đối giống nhau. Ở Việt Nam, đã có bộ tiêu chuẩn về các chất độc trong môi trường nước, không khí nhưng trong môi trường đất chỉ có giới hạn cho phép của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì thế, khi nghiên cứu sự ô nhiễm kim loại nặng (KLN) trong môi trường ta phải lấy tiêu chuẩn của các quốc gia khác để làm tiêu chuẩn nghiên cứu. Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu ô nhiễm kim loại nặng trong đất ở Việt Nam chưa có nhiều nên gây khó khăn trong việc quản lí môi trường đất của cơ quan nhà nước.
Mặc dù, mức độ ô nhiễm KLN trong đất ở Việt Nam chưa tới mức báo động nhưng cũng cần phải nghiên cứu ảnh hưởng của chúng tới đời sống sinh vật. Một điều dễ nhận thấy là KLN có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khỏe con người vì nó dễ dàng đi vào chuỗi thức ăn và về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đối với con người.
Nhằm góp phần đánh giá tác động của các kim loại nặng cũng như khả năng tích lũy của chúng trong thực vật và nguy cơ ô nhiễm đất có thể xảy ra, thêm vào đó cây cải xanh là một loại cây ăn lá nhưng có khả năng tích luỹ KLN trong lá cao. Do vậy, tác giả đã chọn đề tài: “Khảo sát sơ bộ khả năng hấp thụ Crom, Niken của cây rau cải” nhằm sáng tỏ vấn đề trên.
Mời các bạn quan tâm tìm hiểu khóa luận cùng chủ đề “Khảo sát sơ bộ khả năng hấp thụ Crom, Niken của cây rau cải” của tác giả Nguyễn Thị Trang tại đường link: http://lib.hpu.edu.vn/handle/123456789/31476

Nhận xét